Skip to main content

Bonsai and Penjing

EBOOK BONSAI and PENJING

  • Tác giả: Ann McClellan
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh
  • Số trang: 153

GIỚI THIỆU EBOOK

Bonsai hay Penjing Trung Quốc, còn được gọi là penzai, là nghệ thuật cổ xưa của Trung Hoa mô tả các cây được tạo hình nghệ thuật để tạo ra một phong cảnh thu nhỏ.

Penjing là nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa, đến nay đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm. Theo các ghi chép, tài liệu, từ những dự án khai quật năm 1977 đã tìm thấy một khối đất nung, theo các nhà khảo cổ, khối đất nung này có niên đại từ 6000-7000 năm trước. Trên mặt khối đất nung có hình một cây tán lá xòe rộng được đặt trong một cái chậu hình chữ nhật.

Năm 1972, người ta phát hiện được hình ảnh một chậu cây Penjing trong bức tranh điêu khắc trong mộ thái tử Lý Hiền (655-684), con trai Đường Cao Tông.

Tới triều Tống, người Trung Hoa đã phát triển môn nghệ thuật này lên một cấp độ nghệ thuật cao hơn. Các nghệ nhân Penjing không chỉ lấy cảm hứng từ thiên nhiên, mà còn lấy từ thơ ca và tranh phong cảnh. Ngoài ra chậu cây cảnh còn được đặt lên các cột, đôn bằng đá, đây cũng là thời kỳ điêu khắc, chạm trổ rất phát triển.

Hình ảnh những chậu cây cảnh được đặt trên những đôn cao, với những thế cây và tán lá được chăm chút cẩn thận.

Vào triều đại nhà Nguyên, trong giao thương với Nhật Bản, rất nhiều người đã đưa những cây cảnh Penjing từ Trung Quốc về Nhật Bản, xem nó như là những món lễ vật, từ đó người Nhật đã tìm tòi và tạo ra một phong cách nghệ thuật bonsai cho riêng họ.

Đây cũng thời kỳ, nghệ thuật Penjing rất phát triển với những chậu cây to, chứ không chỉ còn là những chậu cảnh nhỏ để trong phòng nữa.Những chậu cây Penjing to bắt đầu xuất hiện từ triều đại nhà Nguyên .

Tựa như chính tên gọi, Penjing tiếng trung được ghép từ hai từ 盆 (pen): chậu và 景 (jing): cảnh, thường được gọi với cái tên quen thuộc là “hòn non bộ”.

Khác với cây Bonsai, Penjing không chỉ thể hiện được những nét đẹp tỉ mỉ của cây cảnh mà còn chú trọng về tổng thể xung quanh, tái hiện lại một khung cảnh thiên nhiên có hồn, tinh tế. Điều này cũng thể hiện phong cách thẩm mỹ của người Trung Hoa xưa, một vẻ đẹp tinh tế, hài hòa tạo nên một bức tranh sơn thủy, thể hiện ước mơ được hòa hợp cùng thiên nhiên, đất trời của người Trung Hoa.

Các trường phái trong nghệ thuật trồng cây Penjing

Nghệ thuật Penjing những vùng phía Nam, thân cây hình đại thụ, chắc khỏe, rễ cây sum xuê, cành lá rậm rạp, trùng điệp xanh mướt, thể hiện dáng vẻ phiêu dật, phóng khoáng, tự nhiên.

Đại diện cho trường phái phía Nam, phải nhắc đến trường phái nghệ thuật Penjing Lĩnh Nam. Các nghệ nhân đã sử dụng phong cách “nhấp nhô chập chùng” để tạo ra phương pháp cắt tỉa riêng. Phương pháp cắt tỉa này có tỉ lệ thích hợp giữa cành và lá, trên dưới đều nhau, chú trọng đường cong ở rễ, thân và cành. Dù có bàn tay con người can thiệp nhưng cây vẫn giữ được dáng vẻ tự nhiên mộc mạc của mình.

Các loại cây thường được chọn dùng đều có dáng vẻ khỏe khoắn, thân cây chắc, cành lá mọc rậm rạp và có hương thơm, ví dụ như cây trà Phúc Kiến, cây hoàng dương, cây đỗ quyên, cây tùng La Hán v.v.

Cây Penjing ở những vùng phía Bắc có sự phát triển rất đa dạng, với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thể kể đến một vài đại diện như Dương Châu, Tô Châu, Thượng Hải, Chiết Giang v.v.

Trường phái Tô Châu

Các nghệ nhân Tô Châu thường chọn dùng các loại cây như cây du, cây phong, cây hoàng dương, cây tùng, bách v.v. Các châu cây theo phong cách cổ xưa tao nhã, mang ý vị sinh động, tình cảnh hòa quyện với nhau.

Thường chọn dùng các loại chậu từ đất sét, trang trí với các loại đá như anh thạch (một loại đá ở Quảng Đông, dùng để làm hòn non bộ), đá Thái Hồ (loại đá ở Giang Tô, thường dùng làm hòn non bộ) v.v. dùng để tạo núi đá.

Các nghệ nhân thường đào các cây cổ ở núi, rồi ghép thêm cành vào dùng phương pháp chỉnh hình “quấn thô cắt nhỏ” hình thành. Toàn bộ lấy quấn làm chính và cần tới hơn 10 năm thì quá trình gia công mới hoàn thành.

Trường phái Tứ Xuyên

Chậu cây Penjing ở khu vực Tứ Xuyên chú trọng đến phong cách cổ xưa, gốc cây trông rất đơn giản, nhưng yêu cầu kỹ thuật của người nghệ nhân rất cao.

Khi cây còn nhỏ, thân và cành phải uốn cong theo nhiều cách khác nhau, chú trọng cấu trúc không gian lập thể. Phong cách này sử dụng kỹ thuật buộc dây quấn rồi uốn cong các cành cây thành các vòng xoắn tạo
nên những nhịp điệu độc đáo, phối hợp với các bộ núi nhỏ và đá. Đá thường dùng loại đá hoa văn rùa, đá vân mẫu, thạch nhũ v.v.

Trường phái Dương Châu

Chậu cảnh Penjing Dương Châu, phần lớn là phỏng theo hình ảnh những ngọn núi cao trùng điệp, có đặc điểm dùng kỹ thuật “quấn” để tạo dáng, do đó phải gia công từ lúc còn non.

Cành lá được cắt bó thành hình vân phiến (mảnh mây) cực mỏng. Thân cây thành hình xoắn ốc cong lại. Cây có hình bậc thang 1 – 3 tầng và nhiều tầng.

Chậu cảnh Penjing Dương Châu thường rải sỏi trong chậu gọi là điểm thạch. Lấy sỏi đá so sánh với thực vật làm cho cây có khí thế ngút trời, đồng thời tăng thêm dáng vẻ tự nhiên.

Trường phái Dương Châu còn 1 loại đặc biệt, gọi là “Thủy hạn”, nghĩa là trong chậu cảnh có một phần đất, một phần là nước, tạo nên một phong cảnh thiên nhiên thu nhỏ nên rất được ưa chuộng.

Cùng với loại này còn có loại “Hạn bồn thủy ý” dùng đá cuội nhỏ để thay cho nước chảy, tuy không trữ nước song có cảm giác như nước chảy.

Các loại cây được chọn dùng chủ yếu là cây tùng, cây bách, cây du, cây tùng La Hán, v.v…

Đối với nghệ thuật Penjing, người thưởng thức cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cây cảnh, về phong cảnh sơn thủy, những hiểu biết về giới tự nhiên rộng lớn, có vậy mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật mà người nghệ nhân muốn thể hiện và lãnh hội được ý nghĩa nội hàm của loại hình nghệ thuật cổ điển này.